Việc các đối tác chưa chịu giảm giá, còn các đơn vị truyền thông Việt Nam cũng nhất quyết không dám mạo hiểm khiến tiến trình đàm phán mua bản quyền World Cup 2022 vẫn bị đình trệ.
Chia sẻ với báo Thanh Niên, một doanh nghiệp lớn thường xuyên sở hữu bản quyền phát sóng các giải thể thao lớn tại VIệt Nam cho biết: “Chúng tôi hiện tạm dừng việc đàm phán và có thể sẽ thôi nuôi ý định mua bản quyền truyền hình World Cup 2022 nếu đối tác không chịu giảm giá.
Chúng tôi cũng đã cân đo đong đếm lại quỹ tài chính để xem nếu cố gồng thì có lỗ nặng không. Kể cả khi hợp tác với một đơn vị khác để chia sẻ số tiền 15 triệu USD thì chúng tôi cũng không thể có lãi. Chúng tôi còn rất nhiều kế hoạch cần phải mua mua bản quyền các giải đấu khác trong tương lai nên không thể mạo hiểm được.”
Một số đơn vị khác cũng đã từ bỏ thương vụ sở hữu bản quyền World Cup. Đài truyền hình Việt Nam VTV cũng chưa có động thái mới sau tuyên bố sẽ không nhất quyết phải mua bản quyền giải đấu nếu như giá quá cao.
Một chuyên gia về bản quyền truyền hình cho biết: “Việc giá bị đẩy lên quá cao so với khả năng thu lại lợi nhuận của thị trường VN có thể vì chính chúng ta đã chịu mua với mức rất cao từ World Cup 2018. Nghĩa là chính Việt Nam đã vô tình tạo ra mặt bằng giá mới và sau 4 năm, giá không thể thấp hơn hoặc bằng giá của kỳ World Cup trước. Đối tác nước ngoài không bao giờ để mình rơi vào tình cảnh bị thất thế, dù có thể chính họ hiện tại cũng đang rất sốt ruột khi World Cup 2022 chỉ còn 3 tháng nữa. Nhưng đối tác cũng sẽ không hạ giá kiểu “bán đào vào chiều 30 tết” đâu.”
Còn nhớ tại World Cup 2018, Việt Nam cũng phải chờ tới sát ngày khai mạc mới có được bản quyền với mức giá 12 triệu USD, thấp hơn 3 triệu so với yêu cầu ban đầu của đối tác.
>> HLV đen đủi nhất thế giới: Ba lần bị sa thải trước khi dự World Cup