
Mới đây, hình ảnh đám cưới ở Trung Quốc lan truyền gây xôn xao mạng xã hội. Khi cô dâu chú rể cùng quan khách có mặt ở hội trường đám cưới, một người đàn ông bất ngờ xuất hiện trên sân khấu.
Ông mặc chiếc áo phông cũ, lưng ướt đẫm mồ hôi, chân đi dép lê, gương mặt khắc khổ. Ông tiến về phía sân khấu với nụ cười trên môi.
Người đàn ông khoảng 60 tuổi, trao chiếc phong bì đỏ cho cô dâu chú rể. Sau đó, ông xuống dưới sân khấu, chỉ lặng lẽ nhìn mà không hề buông một lời nào.
Khoảnh khắc khiến nhiều người chứng kiến xúc động, rơi nước mắt.
Đó chính là bố đẻ cô dâu, nhưng ông không được mời đến dự đám cưới. Ông chỉ biết về sự kiện từ bạn bè của con. Câu chuyện xúc động về người đàn ông đã lan truyền trên mạng xã hội.

Ông vốn mồ côi cha mẹ từ nhỏ, lớn lên dưới sự chăm sóc của người chú. Sau này, do kinh tế khó khăn, gần 40 tuổi ông mới kết hôn. Vợ ông là một người phụ nữ mắc bệnh tâm thần.
Hai vợ chồng có một cô con gái duy nhất, chính là cô dâu trong đám cưới, theo Thethaiger. Nhưng khi con gái được 2 tuổi thì mẹ qua đời trong một vụ tai nạn. Bất chấp hoàn cảnh khó khăn, ông vẫn quyết tâm đảm bảo một tương lai tươi sáng cho con gái. Ông làm việc không ngừng nghỉ để có thể trang trải học phí cho con.
Lớn lên, con gái ông hay bị bạn bè bắt nạt vì gia cảnh nghèo khó. Sau khi học xong trung học, cô rời khỏi quê nhà để đến thành phố lớn làm việc.
Cô vẫn thường gửi tiền về quê và gọi điện thoại cho bố. Hiểu được tâm tư, suy nghĩ của con gái nên người cha cũng tránh can thiệp vào cuộc sống của con.
Vài năm sau, cô gặp người đàn ông hết lòng yêu thương cô. Cô và anh kết hôn nhưng anh không hề biết về quá khứ của cô, ngoại trừ việc cô là con một và mẹ mất sớm.
Khi lên kế hoạch tổ chức đám cưới, cô cũng không muốn nhắc đến gia đình. Cô không thông báo cho bố biết.
Dù vậy, ông vẫn biết chuyện vì bạn bè cô kể lại. Đến ngày cưới, ông tìm cách đến hội trường vì muốn chứng kiến giây phút hạnh phúc trong ngày trọng đại của con.
Lúc đầu, ông không có ý định nhận người thân. Nhưng một số người nhận ra ông và thúc giục ông lên sâu khấu để tặng quà cho con.

Khi câu chuyện lan truyền, một số người bình luận chỉ trích cô con gái. Họ cho rằng cô bất hiếu, chê bai hoàn cảnh nghèo khó của bố mẹ. Quyết định giấu bố về đám cưới của con gái sẽ để lại vết sẹo tinh thần lâu dài cho ông.
Đạo hiếu trong quan hệ cha mẹ – con cái
Đạo hiếu được xem là một tình cảm thiêng liêng và cao đẹp nhất trong đời sống của con người. Nó là chất liệu của cuộc sống và là hành trang vô giá, không thể thiếu vắng ở mỗi con người. Đồng thời, nó phản ánh đời sống văn hóa và đạo đức của một xã hội. Những người con không thể sống nếu thiếu sự quan tâm chăm sóc của ông bà, cha mẹ, ngược lại, khi cha mẹ tuổi già, sức yếu thì người ta nghĩ đến sự đền đáp của con cháu. Vì vậy, dân gian có câu: “Trẻ cậy cha, già cậy con”.
Trong “Luận ngữ”, Khổng Tử khẳng định “Hiếu đễ là gốc của nhân” (Luận ngữ, Học nhi, 2) [4, tr. 197]. Trong phạm vi đạo đức gia đình, hiếu đễ được coi là gốc. Hiếu là thái độ ứng xử của con người đối với ông bà, cha mẹ mình; đễ là sự kính nhường trong quan hệ anh em. Vì vậy, khi Mạnh Ý Tử hỏi về hiếu đạo, Khổng Tử đáp rằng: “Chớ làm trái ngược” và “khi cha mẹ còn sống, lấy lễ mà thờ kính; lúc cha mẹ qua đời, lấy lễ mà chôn cất, lấy lễ mà tế tự” (Luận ngữ, Vi chính, 5) [4, tr. 218].
Đạo làm con, theo Khổng Tử phải làm thế nào cho cha mẹ yên lòng, vui vẻ. Khi Mạnh Vũ Bá hỏi về hiếu, Khổng Tử khuyên “chớ để cha mẹ buồn phiền” (Luận ngữ, Vi chính, 5) [4, tr. 218]. Sở dĩ Khổng Tử nói vậy là vì Mạnh Vũ Bá là hạng công tử chỉ biết ăn chơi, do đó Khổng Tử có ý khuyên Mạnh Vũ Bá rằng, người con có hiếu đừng để cha mẹ phải phiền lòng, phải biết rõ một điều là cha mẹ nào cũng yêu thương, lo lắng khi con mình bị đau ốm.
Trong trường hợp khác, Khổng Tử coi việc thực hiện đạo hiếu ở chỗ kính trọng cha mẹ. Trường hợp đối với học trò Tử Du, khi hỏi về hiếu, Khổng Tử trả lời: “Chẳng kính, lấy gì làm phân biệt” (Luận ngữ, Vi chính, 7) [4, tr. 220].
Đối với con cái, theo Khổng Tử thì “Tuổi của cha mẹ không thể không biết tới, vừa để vui mừng, vừa để lo sợ” (Luận ngữ, Lý nhân, 21) [4, tr. 220]. Đó là hai mặt của một tấm huy chương mà Khổng Tử nhận ra, đồng thời là sự cảnh tỉnh cao độ cho đạo làm con phải thường xuyên quan tâm đến cha mẹ mình.
Có thể thấy rằng, Nho giáo luôn giáo dục con người hướng đến tình cảm gia đình. Ngoài việc nuôi dưỡng cha mẹ bằng tấm lòng thành kính của mình, người con có hiếu còn làm cho cha mẹ thường xuyên vui vẻ. Theo Khổng Tử, người con bất hiếu khi ra ngoài xã hội không thể đối xử tốt với người khác được, bởi lẽ theo ông, “làm người có lòng hiếu đễ mà lại ưa phạm tới bề trên, là chuyện hiếm có vậy… Người quân tử chuyên chú vào chỗ gốc, vì gốc đã gây dựng, đạo tự nẩy sinh. Nết hiếu và nết đễ có phải là gốc của việc thi hành đạo nhân đó chăng?” (Luận ngữ, Học nhi, 2) [4, tr. 197]. Do đó ông căn dặn các học trò của mình rằng, “khi vào phải hiếu với cha mẹ, khi ra phải kính nhường người lớn tuổi, làm việc phải cẩn thận và giữ chữ tín, thương yêu mọi người và thân với người nhân. Làm những việc đó có dư sức mới dành cho việc học văn chương” (Luận ngữ, Học nhi, 6) [4, tr. 201]. Lời dặn dò của Khổng Tử cũng là những điều kiện thiết yếu để con người “khi ra” ngoài xã hội giao tiếp theo đúng những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức xã hội, góp phần làm ổn định xã hội.
Đạo hiếu trở thành nguồn cội, là cơ sở cho nền tảng vững chắc của gia đình. Đó chính là giá trị văn hóa đạo đức đức rất căn bản mà trong xã hội hiện đại cần kế thừa và phát huy.